Không lạnh buốt như gió Bắc, gió lạnh ở miền Nam dịu nhẹ hơn, se se bầu không khí và cũng se lại tình cảm dành cho nhau. Có lẽ vì thế mà người ta không đón tháng 12 với cái lạnh, với sự cô đơn mà đón lấy niềm vui ấm áp khi trao nhau những món quà Giáng sinh. Vậy tại sao không chuyển những yêu thương đến người mình thương yêu qua việc tự tay chăm sóc một chậu cây Dâu Tây?
Dâu tây vào mùa này rất được lòng người dân Sài Gòn, không chỉ quyến bởi tiết trời se lạnh mà còn bởi sự ngọt ngào. Đỏ mọng trọn vẹn màu hạnh phúc – Xanh mởn tràn đầy màu sức sống.
Dâu tây rất “Tây” nhưng không khó trồng đâu nhé! Không đòi hỏi bạn phải là những người làm vườn “chính hiệu”, dưới đây là 3 gợi ý cách trồng và tạo một Chậu Dâu tây quà tặng thật đặc biệt trong mùa Giáng sinh.
Trước đó, bạn phải hiểu “tính tình” và “nhu cầu” của dâu tây để sẵn sàng đón chúng về nhà và nuôi nấng chúng khỏe mạnh.
– Vì là “con Tây”, đa số dâu tây thích hợp với khí hậu mát lạnh, ánh sáng dồi dào, độ ẩm không quá cao, sinh trưởng tốt trong loại đất thịt nhẹ, hàm lượng chất hữu cơ cao, đất ấm, giữ ẩm nhưng thoát nước tốt. Nếu bạn ở miền Nam, nên chọn giống dâu tây phù hợp với nhiều loại thời tiết như giống của Nhật và New Zealand.
– Khi về “định cư” ở Việt Nam, bạn nên lưu ý mùa thu ở miền Bắc trời vẫn còn nắng gắt, nên tránh tưới cây vào buổi trưa và đặt cây vào chỗ mát mỗi khi có ánh nắng cường độ mạnh chiếu vào.
– Bón phân đều đặn cho cây. Bạn có thể dùng phân bón sạch Rapid Hydro, lưu ý pha loãng phân với nước với tỷ lệ 1 lít dung dịch phân bón hòa với 70 lít nước, khoảng 10-15 ngày/1 lần cho đến khi cây ra quả.
Những gì bạn cần là:
– Chậu đất
– Đất trồng
– Rơm khô
– Cây dâu tây con
Sang khu vườn rộng rãi của bà cô nhà hàng xóm xin về mấy cây dâu tây con khỏe mạnh, nếu không được may mắn thế thì bạn đành phải cất công ra cửa hàng cây giống mua về vậy.
Trồng mỗi chậu một cây. Trước đó, lấp gần đầy chậu bằng đất đã được trộn phân bón.
Khoét một lỗ rộng và đủ sâu bằng chiều cao của bọc rễ để đặt cây dâu tây vào đó.
Lấp đều đất xung quanh rễ cây. Có thể phủ lên miệng chậu một lớp cỏ mần trầu khô.
Bạn đã có cây dâu tây trong chậu gốm rồi, nhưng bỗng đến một ngày bạn thấy đặt nó mãi trên bệ cửa sổ thì hơi nhàm chán. Hãy nghĩ đến việc treo nó lủng lẳng trên ban công cho thích mắt.
Những gì bạn cần là:
– 1 chiếc giỏ mây hoăc 1 chiếc chậu sứ nhỏ
– 1 chiếc xô kích thước tương đương với giỏ
– 1 tấm nilon
– Chậu dâu tây mà bạn đang có và đất trồng đã trộn phân bón
Đặt giỏ mây lên chiếc xô để cố định giỏ để đảm bảo chắc chắn trong khi bạn thao tác.
Lót tấm nilon vào trong giỏ để giữ phân và độ ẩm sau khi cho đất vào.
Như đã kể ở trên, dâu tây không ưa ẩm quá, bạn nhớ cắt lỗ tấm nilon để thoát nước.
Lót một lớp đất vào trong giỏ để sẵn sàng chào đón cây dâu tây về nhà mới.
Chọn loại phân bón đa năng và trộn thêm 1 ít dung dịch phân bón Rapid Hydro.
Nhớ tưới nước cho cây trước khi bê nó ra khỏi ngôi nhà cũ để tránh cây bị héo rũ nhé.
Sau đó, nhấc cây và bó đất bao quanh rễ khỏi chậu, đặt vào trong giỏ sao cho bó đất thấp hơn vành giỏ khoảng chừng 2,5 cm.
Lấp gần đầy đất vào giỏ, khẽ nén cho chặt. Bạn nhớ đừng quá tay lấp đầy đất đến miệng giỏ, mà hãy để hở một khoảng để tiện cho việc tưới nước.
Nhúng cả giỏ cây vào nước sau đó nhấc ra. Chờ cho ráo nước trước khi treo giỏ lên.
Tưới nước hàng ngày vào buổi sáng khoảng 150-200ml nước mỗi ngày và nhớ bón phân 10-15 ngày/1 lần như đã nhắc ở trên để đảm bảo cây sinh trưởng tốt và có nhiều quả mọng rủ xuống thật vui mắt nhé.
Vui mắt với ủng dâu tây (hoặc giày)
Món quà này là dành tặng riêng cho Gia đình bé nhỏ của bạn… Không những tận dụng lại đồ cũ mà còn làm đẹp căn nhà hơn nữa!
Thay vì chậu đất thông thường mà nhà nào cũng có, biến tấu một cách rất “Tây” với chậu cho cây dâu tây làm từ ủng cao su.
Những gì bạn cần là:
– Những đôi ủng cao su (hoặc giày bỏ)
– Mấy tờ báo in
– Khoan
– Dao dọc giấy
– Trồng 3 cây trên mỗi ủng, do đó hãy đảm số cây gấp 3 lần số ủng
Nhét đầy báo vào bên trong ủng để dễ dàng cắt và khoan lỗ.
Khoan lỗ dưới đế ủng để có chỗ thoát nước, tiếp tục dùng dao dọc giấy khoét 2 lỗ ở 2 bên thân ủng (2 lỗ có khoảng cách so le nhau cho điệu đà). Bạn sẽ trồng cây dâu từ 2 lỗ này, nên bạn lưu ý cắt lỗ đủ rộng để nhét vừa bọc rễ. Sau khi cắt xong 3 bỗ trên ủng, rút hết ruột báo để nhường chỗ cho đất.
Lót 1 lớp sỏi vào đáy ủng. Đổ đất đầy đến lỗ thấp nhất.
Khẽ rũ bớt đất bọc quanh rễ cây để bọc đất không quá to sau đó nhét vào lỗ bên.
Tiếp tục đổ đất vào ủng cao đến lỗ thứ hai và trồng cây thứ 2 vào đó. Đổ thêm đất đến gần miệng ủng, khoét một lỗ đất rộng và trồng nốt cây thứ ba.
Cuối cùng, tưới nước và bón phân đều đặn như đã nhắc ở trên. Với hình dáng độc đáo, chậu dâu tây làm tử ủng có thể tự tin tạo dáng bên bậu cửa, trên bàn cạnh cửa sổ hay khoét thêm lỗ để treo lên cao.
Bây giờ chỉ cần một chút khéo tay để trang trí cho chậu Dâu Tây thêm Yêu là được!!!
Bạn đã chọn được Món quà để chuẩn bị riêng mình chưa?
Nhận xét
Đăng nhận xét